Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Nước mắt đàn ông ở phòng khám nam khoa

Nước mắt, nụ cười hay những giây phút nghẹt thở… các đấng mày râu luôn tránh né thể hiện ra ngoài đều được bộc lộ chân thực sau từng câu chuyện trong phòng khám nam khoa.

Ở nơi đàn ông còn yếu đuối hơn phụ nữ

Mở đầu cuộc trò chuyện về vấn đề chữa vô sinh ở nam giới, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng – Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Bình Dân, TP HCM) – chia sẻ: Trước nay, mọi người không nghĩ vô sinh ở nam giới số lượng lại đông như vậy, người ta chỉ nghĩ phụ nữ mới là nguyên nhân chính gây nên tình trạng vô sinh. Tuy nhiên theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả vợ và chồng, 10% không rõ nguyên nhân – chia đều ra nam nữ bằng nhau. Ở Việt Nam, trong khoảng 5 năm nay, người dân bắt đầu nhận thức được yếu tố vô sinh ở nam. Do đó, số lượng bệnh nhân tới khoa nam học khám càng ngày càng đông, trong khoảng 200 bệnh nhân khám/ngày có gần 100 người mong muốn tìm hiểu vấn đề sinh sản của mình.
Bác sĩ dang tư vấn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn
Cánh cửa phòng tư vấn khám nam khoa khép lại, đôi vợ chồng sinh sống ở Đồng Nai nhưng nói giọng Bắc e dè ngồi xuống chờ đợi bác sĩ kiểm tra cho người chồng. Anh, 33 tuổi, bị khuyết tật câm điếc sau trận ốm nặng năm lên 2, chị kém anh 1 tuổi và cũng là người thông ngôn thay cho chồng.Người phụ nữ nhỏ nhắn tỏ ra mạnh mẽ khi rành rọt miêu tả sự khó khăn của chồng trong “chuyện ấy”. Nhưng cuối cùng, sự yếu đuối của người đàn bà khát con đã khiến câu chữ cứ ngắc ngứ trong cổ họng, chị kể: Anh bị khuyết tật nhưng vẫn quyết tâm học hành đến nơi đến chốn và giờ đang là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đồng Nai. Chị – sau khi học xong Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng ngoài Hà Nội – đã khăn gói theo anh vào Nam làm công nhân may mặc với lương tháng ít ỏi hơn 3,5 triệu đồng.
Nén tiếng thở dài, chị dịu dàng quay sang nhìn người chồng ngồi bên cạnh nhưng đang lạc lõng trong câu chuyện mà mình là nhân vật chính. “Anh đáng thương lắm khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi, giờ bố mẹ chồng già yếu, anh mong có đứa cháu cho ông bà bế bồng và cho vợ bớt tủi mà khó khăn quá”, mắt ngấn lệ chị nói.
Không chỉ riêng anh mà rất nhiều đức lang quân bình thường khác khi đặt chân đến khoa nam học đều phải dựa vào người phụ nữ đi bên cạnh như một sự cứu cánh cần thiết. Suốt cả cuộc tư vấn, chỉ có người vợ trình bày tình trạng sức khỏe của ông chồng, còn người chồng ngồi bên cạnh im thin thít giống như đứa trẻ to xác gây ra tội lỗi tày đình, nhất là những trường hợp đến tái khám lần thứ 2, 3 mà vẫn chưa có con.
“Họ chấp nhận hiếm muộn, mong con chứ không chấp nhận từ vô sinh”, bác sĩ Tiến Dũng nhấn mạnh tâm lý người đi chữa bệnh.
Anh kể lại trường hợp một bệnh nhân – sau khi nghe chẩn đoán không chữa được vì bị teo tinh hoàn do bất thường bội nhiễm sắc thể – đã quá sốc và nghĩ ngay đến việc nhảy lầu tự tử. Lại có người niềm hạnh phúc đến quá bất ngờ khiến họ phút chốc trở nên yếu mềm, không ngần ngại để những giọt nước mắt chảy vòng trên gương mặt luôn cố tỏ ra bình lặng khi biết mình vẫn có khả năng làm bố, bởi trước đó đã bị một bệnh viện tư nhân chẩn đoán sai là vô tinh.
Những cái kết có hậu
Tâm lý chưa vượt qua được bản lĩnh đàn ông khiến nhiều người có cảm giác mặc cảm, tự ti, dẫn đến phủ nhận bệnh tật. Những bệnh nhân này khi điều trị luôn có cảm giác muốn trì hoãn nhưng điều trị vô sinh – cũng giống như các bệnh lý khác – cần khẩn cấp về mặt thời gian.
Chẳng hạn câu chuyện về chồng một nữ nhân viên trong viện bị yếu tinh trùng, khi khám bệnh hai vợ chồng đồng ý mổ nhưng tới ngày mổ anh chồng không xuất hiện. Hỏi ra mới biết anh chàng xấu hổ vì vợ làm việc trong bệnh viện. Bác sĩ phải thuyết phục nhiều lần anh mới thay đổi ý kiến, nhưng ra điều kiện hôm nào bệnh nhân ít mới tới mổ. Cuối cùng, bác sĩ phải xếp lịch cho anh mổ vào ngày 28/4, sau đó cả bệnh viện nghỉ lễ dài ngày và đầu tháng vừa rồi cô nhân viên vui mừng thông báo đã có bầu.
Những cặp vợ chồng vô sinh thường bị áp lực tâm lý, họ cảm thấy bất an trong cuộc sống, sợ tiếp xúc với những gia đình có nhiều con. Trong đó, 76% số cặp vợ chồng vô sinh đều cần có một sợi dây để níu kéo tình cảm và họ tìm đến tất cả các phương thức điều trị như cứu cánh. Có những bệnh nhân chỉ cần nghe đâu có thầy thuốc có thể giúp họ sinh con là hai vợ chồng bán hết mọi thứ để làm theo.
Điển hình, thời gian qua có một cặp vợ chồng ở La Gi (Bình Thuận), nghe ngoài Bắc có một bà thầy thuốc dùng khí công giúp các cặp vợ chồng có thai tự nhiên, lập tức khăn gói ra chầu chực cả tuần mới đến lượt khám, nhưng cuối cùng vẫn phải ra về với nỗi buồn nặng trĩu trong lòng. Khi bệnh nhân đến khoa nam học khám, các bác sĩ đã phát hiện anh chồng bị tắc đường dẫn tinh, sau mổ hai tháng, cặp vợ chồng này đã có thai tự nhiên.
Một bệnh nhân tên Mới ở An Giang. Hai vợ chồng gần 40 tuổi, làm nghề chài lưới. Cuộc sống mưu sinh đã cơ cực, đêm về lại quạnh hiu vì thiếu vắng tiếng cười nói của trẻ thơ khiến họ nhiều năm liền sống lẳng lặng như chiếc bóng trong nhà và sẵn sàng làm mọi thứ để có con.
Mới hai tháng theo thầy thuốc tư nhân, hai vợ chồng đã phải bán nhà để chạy theo những thủ thuật và thuốc đắt tiền, lúc tìm đến các bác sĩ khoa nam học, họ đã phải sống trên một chiếc ghe con con. Nguyên nhân chính là người ông chồng bị bất thường cơ quan sinh dục, niệu đạo đóng thấp, nên mỗi lần quan hệ tinh trùng không vào được âm đạo của vợ. Sau khi phẫu thuật tốn chừng 12 triệu đồng và nằm viện 3 tuần, giờ họ đã có chỗ dựa khi về già.
Điều trị vô sinh nam thuận lợi hơn vô sinh nữ, ở nam chu kỳ biến đổi nội tiết không phải mỗi tháng mà theo một quá trình, do đó can thiệp dễ dàng hơn. Chi phí điều trị vô sinh ở nam cũng không quá đắt như ở phụ nữ mà hiệu quả lại cao, trung bình chi phí điều trị khoảng 10 triệu đồng với tỉ lệ thành công khoảng 60-80%, tỉ lệ có thai tự nhiên khoảng 45,7%.
“Bệnh nhân Tất Thuận Thiên (46 tuổi, ở TPHCM) lập gia đình 9 năm nhưng chưa có con, đi khám ở một bệnh viện được chẩn đoán là vô tinh. Ông Thiên thất vọng đi về nhưng sau một năm bản năng làm chồng đã xui khiến ông đến khoa nam học. Kết quả, từ không tinh trùng giờ ông đã lên được 26 triệu con và tuần trước, tôi nhận được một giỏ trái cây nho nhỏ với lời cảm ơn rằng vợ ông ấy đã có thai”, bác sĩ Dũng nhớ lại người bệnh có cái tên đặc biệt của mình.
Kể đến đây, trong đôi mắt người bác sĩ ánh lên niềm vui rạng rỡ, anh nói: “Các bác sĩ chữa vô sinh của khoa nam học là người hạnh phúc vì sau ông bà nội ngoại sẽ đến chúng tôi là người thứ 3 được các cặp vợ chồng thông báo về sự có mặt của đứa trẻ”.
Coi niềm hạnh phúc của bệnh nhân như là hạnh phúc của mình, anh loay hoay mở điện thoại tìm tin nhắn của một người bệnh tên là Phúc (Hà Nội) cho tôi xem. Hai vợ chồng anh Phúc lấy nhau đã 6 năm nhưng chưa có con do anh bị tắc ống dẫn tinh. Khi họ đã rơi vào tuyệt vọng thì sau 6 tháng chữa vô sinh tại khoa nam học, tin vui đã đến với vợ chồng anh. Kết quả, 3h sáng, bác sĩ Dũng bị đánh thức dậy bởi tiếng chuông tin nhắn: “Vợ em thử máu và đã có thai, em cảm ơn anh nhiều lắm!”.
Một bệnh nhân khác tên Việt (ở quận Tân Bình, TPHCM), sau khi đứa bé chào đời, còn vài ngày là tới đầy tháng, cả hai vợ chồng mang đứa trẻ tới bệnh viện yêu cầu trưởng khoa nam học phải làm cha nuôi đứa bé.
Ở phòng khám nhạy cảm này còn có cả những câu chuyện cười ra nước mắt khi cặp vợ chồng 9x cưới nhau 6 tháng xong quyết định đi tìm hiểu vì sao chưa có con. Khám cơ quan sinh dục và thực hiện xét nghiệm cho hai vợ chồng hoàn toàn bình thường. Bác sĩ gặng hỏi lý do, cô vợ trẻ mới khai thật, suốt nửa năm vừa qua, cô nhất quyết không cho chồng đụng vào. Bạn bè bảo lần đầu làm “chuyện ấy” khủng khiếp lắm nên cô vợ sợ hãi không dám quan hệ.
Hay một bệnh nhân làm nghề xây dựng bị tắc ống dẫn tinh, điều trị thuốc nam thuốc bắc đều không được, sau khi tiến hành mổ xong, bệnh nhân có tinh trùng luôn nhưng chưa có con. Anh chàng quay lại bệnh viện với nỗi hồ nghi mình hoàn toàn mất khả năng làm bố thì được bác sĩ khuyên bỏ hút thuốc lá, đảm bảo sau 3 tháng có con. Kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người, anh bệnh nhân này có con với vợ đồng thời có con với cả một người bạn gái khác. Có chút ngượng ngùng, bệnh nhân chia sẻ tin vui với bác sĩ: “Trời cho một lúc “sinh đôi” giờ khỏi lo đẻ nữa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét